Kính thưa ….
Chúng ta cử hành lễ an táng và cầu nguyện cho thầy An, thuộc hội Anrê Phú Yên và tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của tình liên đới, hiệp thông giữa kẻ đi, người còn ở lại.
Thưa anh chị em : vào tuổi 59, thầy An không chết trẻ, mà cũng chẳng chết già : chết vào tuổi bánh tẻ (theo cách nói của người Miền Bắc) và chết vào tuổi xồn xồn (theo kiểu nói của người Miền Nam), nhưng chết vào tuổi đó, đời thầy còn rất nhiều dang dở.
Từ hoàn cảnh của thầy, xin gởi tới cộng đoàn đề tài “dang dở” của kiếp sống phàm nhân với vô số nghịch lý để gẫm suy thân phận con người mong manh, mỏng giòn, yếu đuối, nếu không được ánh sáng đức tin soi dẫn, cuộc đời chỉ là một chuỗi những bế tắc, vô nghĩa, dang dở, dở dang.
Dang dở là một ý niệm, hình thành từ kinh nghiệm sống, diễn tả những công việc, những hoài bão chưa hoàn tất, manh mún, ngổn ngang, phải bỏ dở, và không thể đưa vào sử dụng theo mục đích yêu cầu. Dang dở đúng là một thất bại và nó chiếm được vương vị khi một sinh linh nằm xuống.
Chẳng ai thích dang dở bao giờ, nhưng lại không tài nào tống khứ nó khỏi cuộc sống. Nó nhập cuộc khi một người được sinh vào đời, và đeo bám họ cho đến chết. Đối diện với dang dở mới thấy đời người mong manh, vắn vỏi, ước mơ chưa tròn đã phải ra đi. Thật là : “con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38, 12).
Dang dở, thất bại, thánh giá cuộc đời và cả sự chết nữa quả là một mầu nhiệm, người ta không thể lý giải bằng trí khôn thuần túy, mà phải nại tới mạc khải và nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, những thánh giá, đau khổ cuộc đời mới được khai thông.
Bài đọc I, trích từ sách khôn ngoan, ngẫm suy về sự chết với đầy dẫy yếu tố tích cực trong đó. Người công chính (người sống niềm tin vào TC) đón nhận cái chết cách bình thản, nhẹ nhàng, tôi có cảm tưởng họ bước vào sự chết giống như người bước qua ngưỡng cửa của niềm hy vọng, viên mãn : “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa. Đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với những người không hiểu biết thì việc họ từ biệt chúng ta là như đi vào cõi tiêu diệt, nhưng thực ra các ngài sống trong bình an…” (Khn 3, 1 – 3).
Thành ngữ “Ở trong tay Chúa” diễn tả sự quan phòng, được bao bọc chở che, được bảo vệ khỏi mọi nguy hiểm xác hồn. CJS, trong lời nguyện hiến tế, đã nhắc lại sự an toàn cho những kẻ được trao phó cho Ngài “ Con đã gìn giữ những kẻ cha đã trao phó cho Con, và không một ai trong chúng phải hư đi” (Jn 17, 11)
Ở trong tay Chúa còn diễn tả sức mạnh quyền năng trong công trình sáng tạo và cứu chuộc. Chính cánh tay hùng mạnh Chúa sáng tạo muôn loài và còn kỳ diệu hơn nữa tay ngài đã cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Ở trong tay Chúa không gì khác hơn là được hưởng tình yêu và sự sống thần linh một cách trọn vẹn, vô lường.
Thật hạnh phúc biết bao cho những ai cư ngụ trong bóng cánh tay Ngài. Tư tưởng này còn được nhân lên gấp bội, khi nhìn Thiên Chúa trong tư cách người mục tử nhân lành. Cánh tay ấy, đã từng chống lại sói dữ tấn công đoàn chiên. Cánh tay ấy, đã từng dẫn bao nhiêu chiên lạc trở về. Cánh tay ấy, đã từng vác biết bao con chiên trên vai, trong số đó có bạn, có tôi và có cả thầy An nữa.
Thầy An à, mình hát cho thầy nghe bài : Chúa là mục tử của lm. Nguyễn Sang, bài hát thầy ưa thích nhất (tôi chỉ hát cho thầy An nghe thôi).
Bài trích sách Khôn Ngoan được đọc lên trong thánh lễ an táng, thật là một vùng ánh sáng của niềm hy vọng cho những ai đang buồn sầu vì số phận phải chết và cũng cho những ai đang than khóc người quá cố của mình, nhìn vào đó mà tiến bước trong an bình, vì luôn thâm tín rằng : mọi dang dở kiếp người sẽ được hoàn thành tốt đẹp, tròn trịa trong TC là “Tình Yêu và Sự Sống”.
Bài Tin Mừng tuyên đọc hôm nay là một biện chứng giúp hóa giải những nghịch lý cuộc sống đang đè nặng lương tâm chúng ta. Thân phận hạt lúa mì dạy chúng ta bài học về giá trị cao đẹp của “tình yêu và sự sống”. Sự sống ấy không bao giờ là vật sở hữu của những con người lười biếng, ích kỷ, chỉ trau chuốt lo cho bản thân mình : “Ai chỉ lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất”. Ngược lại, tình yêu và sự sống luôn ban tặng cách phong nhiêu cho những ai đành liều mất mạng sống mình vì CJS và vì Tin Mừng của Ngài.
Bài học từ thân phận hạt lúa mì giúp chúng ta đánh giá mọi thực tại cuộc sống bằng con mắt đức tin : mất để được, chết để sống. Chỉ khi hiểu thấu ý nghĩa cao cả đó, chúng ta mới tìm được sự thanh thản, bình an, trong những nghịch lý, bế tắc, dang dở đè nặng cuộc đời chúng ta. Với niềm phó thác cậy trông hãy sống lời khuyên của thánh Phêrô : “mọi lo toan hãy trút cả cho Người, vì Người lo cho anh em” (1Pr 5, 7).
Anh chị em thân mến, từ tấm bé thầy An đã có ước muốn dâng mình cho Chúa làm tông đồ trong chức linh mục, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử của đất nước thời bấy giờ, thầy cứ phải chờ đợi mãi thôi. Đã có lần bề trên giáo phận tuyển chọn thầy vào chủng viện để bổ túc kiến thức cho sứ vụ linh mục, rồi cũng dở dang không thành. Trong hội thầy giảng Anrê Phú Yên, thầy có năng lực nhiều mặt, được bề trên sai đến phục vụ nhiều giáo xứ, đùng một cái thầy đổ bệnh phải bỏ dở dang công việc đang làm về dưỡng bệnh tại nhà hưu, cho đến hôm nay, Chúa gọi thầy về với ngài.
Cuộc đời thầy thật nhiều dang dở, thật nhiều thánh giá, nhưng trong Đức Kitô mọi dang dở sẽ nên hoàn thiện, được mài dũa tròn trịa mỹ mãn vì tất cả đã được kitô hóa, tất cả đã nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
Bí tích thánh thể sẽ được cử hành trong giây lát. Tại đó CJS sẽ thần hóa cái dang dở, cái tầm thường, của mỗi chúng ta, cả của thầy An trong đời thường, thành mình, máu thánh của Ngài. Nơi mình thánh Chúa, liệu anh chị em còn nhận ra đâu là phần của mình nữa không ? Thưa không ? Vì đó là chính Chúa. Nhưng nếu không có hoa màu ruộng đất và lao công chúng ta, lấy gì làm chất liệu cho việc cử hành trọng đại này đây.
Nếu bánh rượu và lao công con người, nhờ Thánh Thần, trở nên mình máu thánh Chúa, thì những dang dở cuộc đời chúng ta cũng sẽ được hoàn thành mỹ mãn trong Đức Kitô Phục Sinh. Đó chính là : Trời mới, đất mới, Chúa hứa tặng cho bạn, cho tôi và cho thầy An.
Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho thầy Gio-an Baotixita và cũng lấy những lời ấy chia sẻ và an ủi nhau trong biến cố tang chế này. Amen.
Lm Giuse Phạm Ngọc Khuê
- Giáo xứ Hải Nạp: Hân hoan lãnh nhận Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng
- SVCG Phát Diệm tại Ninh Bình: Thư Ngỏ v/v kêu gọi tài trợ và đồng hành cùng chương trình Thiện nguyện
- Thư mời: v/v họp phụ huynh lớp XT-RLLĐ và lớp Thêm Sức
- Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức trao và đọc Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025
- GIÁO XỨ NINH BÌNH TĨNH TÂM MÙA CHAY VÀ KHAI MẠC TUẦN CHẦU LƯỢT THAY MẶT GIÁO PHẬN 2024