Thập Giá, từ kinh nghiệm cuộc đời của thánh Phaolô tới đời sống người Kitô hữu

Thập Giá, từ kinh nghiệm cuộc đời của thánh Phaolô tới đời sống người Kitô hữu

Khi đọc các thư của thánh Phaolô, chúng ta có thể nhận ra một nét đặc thù trong các giáo huấn của thánh nhân cũng như trong chính kinh nghiệm đời sống của ngài, đó là: cuộc đời của vị ‘Tông đồ các dân ngoại’ là một cuộc đời đi trên con đường Thập giá. Thật vậy, Phaolô không chỉ là vị tông đồ say mê Thập giá Chúa Kitô và hăng say loan báo Đấng chịu đóng đinh, mà trọn cuộc sống của ngài cũng là một con đường Thập giá. Trong bài viết này, người viết xin trình bày ba luận điểm: Ích lợi của Thập giá, Hãy rao giảng Thập giá và Hãy sống mầu nhiệm Thập giá. Ba luận điểm này đã được chính thánh Phaolô trình bày trong các thư của ngài. Và từ đó, người viết có thể rút ra những kinh nghiệm và bài học cho đời sống thiêng liêng của mình cũng như cho đời sống các tín hữu từ chính giáo huấn ‘đậm đặc’ này của thánh nhân.

1. Ích lợi của Thập giá

Trước tiên, chắc hẳn chúng ta biết rõ về Biến cố Đamát – kinh nghiệm gặp gỡ đổi đời của thánh Phaolô với Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh đã khiến cho ngài lấy Thập Giá làm nền tảng cho thần học và lời rao giảng của ngài (x. Gl 1, 11-24; Cv 9, 1-19; Cv 22, 1-16; Cv 26, 9-18). Là một Pharisêu nhiệt thành với Do thái giáo, Phaolô coi Kitô giáo là “tà thuyết mới” nên đi bắt những Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu Kitô. Vì theo Phaolô, ông Giêsu bị án chết, đóng đinh vào thập giá như một tử tội là dấu ô nhục chứng tỏ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Nhưng khi đi bắt Đạo, thì ông lại được Chúa Kitô “bắt lấy”. Kể từ ngày gặp gỡ Đức Giêsu Kitô trên đường Đamát, ơn gọi và sứ mạng của Phaolô là Tông đồ các dân ngoại, “người được Chúa sai đi” loan báo Tin Mừng. Tin Mừng ấy không gì khác là chính Chúa Kitô chịu chết trên thập giá và sống lại cho mọi người, nhưng trên hết và trước nhất, cho chính ngài. Quả thực, Đấng ấy đã ban cho ngài ơn biến đổi, ơn trở lại (conversion) là được thông dự vào Thập giá Chúa Kitô.

Kể từ đó, cuộc đời của thánh Phaolô phải trải qua không khác gì so với cuộc đời của Thầy Giêsu đã sống và đã chịu chết như thế nào. Có chăng cuộc đời ông chỉ là những nét họa lại cuộc đời của Đấng mà ông rao giảng – cuộc đời Thập giá. Tại sao vậy? Bởi vì, Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi, nhưng qua cái chết trên Thập giá của Đức Giêsu Kitô, thì Thập giá trở nên vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. Thập giá chính là đỉnh cao của công trình cứu độ và là bằng chứng của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã thực hiện luật yêu thương của Tin Mừng, Ngài đã sống cái cùng tận của định luật tình yêu là chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá vì yêu nhân loại, dù Ngài hoàn toàn vô tội (x. Mt 27,4). Vì “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 19).

Thánh Phaolô còn nhấn mạnh niềm xác tín của mình khi viết thư cho các tín hữu Côrintô: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1 Cr 2,2).Việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá thực sự là chuyện ô nhục trước mặt người Do thái và người Hy lạp. Vì đối với quan niệm của người Do thái, tử thi là vật ô uế, bị chúc dữ và bị nguyền rủa (x. Gl 3,13). Thánh Phaolô chấp nhận cái phản ứng hợp lý đó, và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cách nhiệm lạ: chính qua Thập giá của Đức Kitô mà chúng ta nhận thức được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: sự hèn yếu của Ngài thì mạnh mẽ hơn quyền lực của con người trăm ngàn lần (x. 2 Cr 13,4). Xác quyết như vậy, Thập giá trở thành vinh dự, niềm vinh quang cao cả của vị Tông đồ: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).

Tiếp tục đào sâu ý nghĩa cứu độ từ Thập giá, thánh Phaolô kể ra những hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa ban cho nhân loại từ khổ giá của Đức Kitô, đó là: sự toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ và ơn tha thứ tội lỗi. Thư gửi tín hữu Êphêsô tuyên dương Thập giá như dụng cụ mang lại ơn hòa giải cho nhân loại: từ một đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt dân Do Thái lẫn dân Hy lạp, Thập giá đã được Đức Kitô biến thành nơi hòa giải, phá đổ ‘bức tường’ ngăn cách giữa dân Do Thái với dân ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa (x. Ep 2,15-16). Như vậy, từ chỗ là biểu tượng của oán thù, nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở nên nơi thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người, và hòa giải giữa loài người với nhau. Thập giá không phải chỉ là một biến cố kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng nó mang một giá trị vĩnh cửu, đó là ơn cứu độ.

2. Hãy rao giảng Thập Giá

Nhận ra được những Ích lợi của Thập giá trong đời mình, thánh Phaolô xác tín: “Chúa Kitô đã không sai tôi đi làm Phép Rửa nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (1Cr 1,17). Và Tin Mừng đó là Thập giá Chúa Kitô. Thánh Phaolô xác tín như vậy vì Thập giá là khí cụ của ơn cứu độ, là sức mạnh Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Chính vì thế, sức mạnh của ngài không phải là ngôn ngữ thuyết phục, mà ngược lại là sự yếu đuối và run rẩy của người môn đệ chỉ tín thác nơi quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa…” (1 Cr 1,18). Thực, với thánh Phaolô, Thánh giá luôn là và phải là tâm điểm duy nhất trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Để từ đó, suốt các hành trình truyền giáo không mệt mỏi với những Thánh giá trong đời Tông đồ, thánh Phaolô luôn gắn kết đời mình với lời ngài rao giảng:“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,10).

3. Hãy sống mầu nhiệm Thập Giá

Không một ai có thể rao giảng về Thánh Giá mà đứng ngoài Thánh giá. Khi truyền rao Thánh giá, thánh Phaolô không chỉ chọn con đường Thánh giá, nhưng ở mức cao hơn: Sống mầu nhiệm Thập giá trong suốt đời mình.

Trước tiên, sống mầu nhiệm Thập giá không gì khác hơn là phải chấp nhận gian khổ: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14, 21-22). Nhiều lần, trong các thư của mình, vị Tông đồ không ngần ngại kể ra những nỗi gian truân, những cực hình mà ngài phải chịu trên hành trình truyền giáo. Chỉ sau những ‘thành công’ chút ít, thánh nhân không ngớt gặp phải những sự chống đối, ngược đãi, làm nhục và bị ném đá (x. Cv 13, 44-50). Và chính ngài, trong chương 11 của thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân đã kể cho họ nghe các hình phạt ngài đã phải chịu: bị đánh bằng gậy 5 lần, mỗi lần 39 gậy, bị quật bằng roi da có các hòn chì 3 lần, và bị ném đá 1 lần … Không những thế họ lại còn đe dọa tới mạng sống của ngài nữa. Hơn thế nữa, trong chương 15 của thư gửi cho tín hữu Rôma, thánh Phaolô xin mọi người cầu nguyện cho ngài thoát khỏi tay của người Giuđêa, và để cho tiền cứu trợ ngài đem về Giêrusalem được các Kitô hữu tại đây chấp nhận (x. Rm 15, 30-31).

Cách đặc biệt hơn, sống mầu nhiệm Thập giá với thánh Phaolô còn là sống chết không phải cho chính mình, mà sống chết cho Đức Kitô. Là người của Chúa, được Chúa sai đi loan báo Tin mừng, người môn đệ phải từ bỏ chính mình để sống chết cho Tin Mừng, vì tình yêu Chúa và yêu thương anh em đồng loại. Thánh nhân xác tín điều đó: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5, 15).

Như thánh Phaolô, đời người Kitô hữu chắc chắn phải là đời Thập giá. Đón nhận vác Thập giá là giai đoạn mở đầu của cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô, đóng đinh các ‘thuộc tính trần tục’ là những đam mê, thói xấu vào Thánh giá Chúa để ‘thuộc tính tâm linh’ ngày càng triển nở và tiến đến Đức Kitô là giai đoạn hai, giai đoạn ‘trường kỳ’. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Thập giá mà người Kitô hữu vác là gì, nếu không phải là từ bỏ con người ích kỷ của mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân trong sự khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Như vậy, với người Kitô hữu, điều kiện tiên quyết trong hành trình theo Chúa là phải hy sinh, một sự hy sinh từ bỏ thường xuyên trong đời, dù ở ơn gọi, bậc sống nào. Chúa Giêsu quả quyết, người môn đệ Chúa thiếu vắng Thập giá trong đời sống mình thì không phải là môn đệ đích thực của Ngài: “Ai không vác Thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,38). Hơn thế nữa, một khi ta không yêu mến Thập giá thì không còn sức sống, ngày càng tàn lụi và đánh mất chính mình, nói gì tới việc sẻ chia, giúp đỡ người khác. Ngược lại, khi ta bình tâm biết đón nhận và yêu mến Thập giá trong mọi hoàn cảnh thì cuộc sống ta trở nên thanh thoát và ý nghĩa biết chừng nào.

Tóm lại, với thánh Phaolô, loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô chính là trình bày sứ điệp về Thập giá, rao giảng về Thập giá và sống mầu nhiệm Thập giá trong đời. Qua giáo huấn quan trọng này của thánh nhân và qua chính gương sáng của đời Thập giá mà ngài đã kinh qua suốt cuộc đời làm tông đồ của Chúa, chúng ta đón nhận bài học đức tin và thêm xác tín: Per Crucem Ad Lucem – Qua Thập Giá Tới Vinh Quang của Đấng Phục Sinh. Mùa Chay chính là thời gian thuận tiện nhất trong năm phụng vụ mà Mẹ Hội Thánh mời gọi con cái mình hồi tâm sám hối, thanh luyện trí lòng và canh tân đời sống trong các mối tương quan (với Chúa và tha nhân). Mùa Chay đang tiến dần đến Chúa Nhật thứ IV, Chúa Nhật của niềm vui. Vui vì chúng ta cảm nghiệm được Chúa yêu thương ta. Vui vì mình tin tưởng, phó thác và bình tâm, đón nhận và vác Thập giá. Vui vì mình luôn xác tín ‘có Chúa song hành’. Có như thế, người môn đệ Chúa Kitô mới luôn tìm thấy niềm vui và bình an đích thực ngang qua những thập giá trong đời mình để tiến bước, ‘không sờn lòng’, ‘nản chí’ (x. Gl 6, 9-10a), không thoái lui.

Joseph Tạ